19 thg 1, 2012

Chúc mừng năm mới Nhâm Thìn 2012

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam nói riêng và người Châu á nói chung, là biểu tượng linh thiêng thể hiện quyền uy và sức mạnh. Con Rồng liên quan đến truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của người Việt. Rồng còn là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh " Long, Lân, Quy, Phụng". Trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, con rồng vẫn là một phần trong đời sống văn hóa của người Việt.

Chuyện lạ mà không lạ: Hối hả thuê người yêu chơi Tết ở Trung Quốc

Thuê người yêu đang là một giải pháp mà nhiều thanh niên gốc nông thôn Trung Quốc áp dụng khi chuẩn bị về quê ăn Tết và đối mặt áp lực cưới xin từ gia đình.
Theo truyền thống Trung Quốc, các bậc cha mẹ ở vùng nông thôn, ngoại ô, sẽ cảm thấy rất "mất mặt" khi con cái đã đến tuổi dựng vợ gả chồng mà vẫn còn độc thân. Để xoa dịu tạm thời áp lực này, nhiều thanh niên độc thân Trung Quốc đã chọn giải pháp đơn giản nhất là thuê người yêu. Năm nay, các trang blog cá nhân, các trang web mua sắm trực tuyến đều trở thành diễn đàn cho các nam nữ thanh niên lựa chọn "người yêu".
Gõ cụm từ "Thuê bạn trai/bạn gái về nhà dịp Tết" trên taobao.com, trang web mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, 64 cửa hàng trực tuyến sẽ cung cấp cho các nam thanh niên một danh sách vô vàn các "bạn gái" để thuê làm người yêu về nhà ra mắt bố mẹ. "Kho bạn trai" cho các cô gái lựa chọn còn phong phú hơn với 444 cửa hàng cho thuê.
Một nam thanh niên 24 tuổi tên Chen là một trong những "bạn trai thuê" trên mạng. Chen rời làng ở tỉnh Hồ Nam cách đây hai năm và hiện làm việc ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Chen bắt đầu làm dịch vụ này từ hai tháng trước và đã có 3 hợp đồng. Anh lắng nghe những lo lắng của khách hàng và nắm tay cùng họ đến các bữa tiệc cùng bạn bè. Anh cũng phải đáp ứng những nhu cầu đột xuất của khách như ôm hay hôn.
Chen bảo việc kinh doanh của anh vào dịp Tết rất khá. Hơn 20 cô gái đã liên hệ với Chen, bày tỏ rằng rất thích dịch vụ này và thậm chí còn trả giá 500 tệ (79 USD) cho một ngày làm bạn trai. Ý tưởng về dịch vụ cho thuê người yêu cũng xuất phát từ chính thực tế mà Chen đã trải qua. Người nông thôn thường kết hôn sớm hơn người thành phố. Dù Chen vẫn chỉ mới đầu 20 tuổi nhưng bố mẹ anh đã sốt sắng mai mối, giới thiệu cho Chen. Để tránh các cuộc hẹn hò mà bố mẹ sắp xếp vào dịp Tết về nhà, Chen đã quyết định không về nhà năm nay.
"Khách hàng của tôi có thể tránh được những lời than phiền từ phụ huynh còn tôi thì kiếm được tiền và có một kỳ nghỉ Tết vui vẻ thay vì phải cô đơn một mình ở thành phố", Chen nói về lợi ích mà đôi bên có được từ dịch vụ cho thuê người yêu của mình.
Để khách hàng tin cẩn, Chen sẽ sắp xếp gặp mặt ở một nơi công cộng nào đó và đưa họ xem chứng minh thư. Đôi khi Chen cũng yêu cầu khách hàng cho xem chứng minh thư của họ.
"Tôi cũng rất lo mình sẽ bị ăn quả lừa hoặc gặp nguy hiểm. Làm sao biết được điều gì xảy ra khi tôi phải đến một nơi nào đó xa lạ với một người không quen", Chen bảo.
Chen rất tự hào về "đạo đức nghề nghiệp" của mình. "Tôi sẽ từ chối khách hàng nếu tôi xem ảnh và nói chuyện với cô ấy mà thấy chúng tôi không hợp đôi. Vì trông không hợp nhau thì khó mà thuyết phục cho bố mẹ tin được", Chen nói.
Serena, 30 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, cũng chia sẻ trên blog cá nhân rằng cô muốn thuê bạn trai để về nhà và ăn tối với bố mẹ dịp Tết này. Cô cho rằng chẳng có gì sai khi đi thuê người yêu cả. Serena phải chọn giải pháp này cũng chỉ vì bố mẹ gây áp lực chuyện cưới xin với cô quá mà thôi.
"Bố mẹ tôi lúc nào cũng hỏi tôi và "bạn trai" bao giờ kết hôn sau khi gặp "bạn trai" thuê của tôi. Họ mong đến Tết sang năm để gặp anh ấy lắm. Nếu mỗi năm lại thuê một bạn trai khác nhau thì thật là không đáng tin", Serena nói.
Meituan.com, một trang web mua sắm, đã tổ chức một cuộc bốc thăm trúng thưởng hôm 11/1 với giải thưởng là chuyến về quê ăn Tết cùng một nhân viên độc thân của trang web được tài trợ miễn phí. Hơn 150.000 người đã tham gia bốc thăm và tên người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày mai.
Anh Ngọc (theo China Daily)

18 thg 1, 2012

Kín chỗ xem pháo hoa giao thừa ở Hồ gươm

Thành phố Hà Nội, vào thời điểm này các nhà hàng cạnh hồ Gươm đã kín chỗ xem bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa Tết Nhâm Thìn.
Tại các nhà hàng xung quanh Bờ Hồ như City View Cafe, HighLand cafe, Soul cafe trên tòa nhà Hàm Cá Mập…, nhân viên nhà hàng cho biết, giá vé đặt chỗ ngồi xem pháo hoa dao động từ 250.000 đồng - 500.000 đồng/vé tùy từng vị trí, nhưng đã bán sạch chỗ từ 3 ngày trước.
Một số nhà hàng trên phố Đinh Tiên Hoàng, không chỉ bán chỗ ngồi, còn bán cả chỗ đứng xem bắn pháo hoa tại nhà hàng với mức giá 50.000 đồng/người/chỗ đứng và cũng bán hết veo từ mấy hôm trước. Khu vực hồ Gươm là một trong năm điểm bắn pháo hoa tầm cao ở Hà Nội.
( Theo Tiền phong online )

16 thg 1, 2012

BIỂU TƯỢNG CON RỒNG

Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Ở  cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh con rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Tại một số nước châu Á, rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươuvà biết bay. Đa số các nước châu Á coi rồng là con vật linh thiêng trong khi các nước châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.
Tại Trung Quốc và các nước lân cận khác, rồng là một trong bốn linh vật mà Lễ Ký 禮記 (thiên Lễ Vận 禮運) chép: "Long, lân, quy, phụng vị chi tứ linh" 麟鳳龜龍謂之四靈 (Long, lân, quy, phụng gọi là tứ linh). Bốn linh vật này chỉ có rùa là có thực.

15 thg 1, 2012

Sự tích ngày ông Công ông Táo

Không biết tục cúng Ông Táo đã có từ bao giờ nhưng theo các vị cao niên kể lại thì đây là phong tục đã có từ rất lâu và có rất nhiều điển tích về ngày lễ ông Công, ông Táo được lưu truyền trong dân gian. Nhân ngày 23 tháng Chạp, ANTĐ giới thiệu với bạn đọc một số điển tích được các bậc cao niên thường kể lại cho con cháu.
Tích 1
Truyền thuyết xưa kể lại có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Sau đó, người vợ may mắn lấy được chồng giàu. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, đang đốt vàng mã ngoài sân thì thấy một người ăn xin bước vào, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho.
Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, uất ức lao vào bếp lửa, tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, lao vào lửa nốt! Trời thấy cả ba người đều có nghĩa nên phong cho làm "vua bếp". Và từ đó, dân gian mới có câu ca rằng:
Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà

Tích 2
Theo người Việt Nam, Táo quân là chức Ngọc Hoàng thượng đế trao cho ba người có mối tình thâm nghĩa nặng: nàng Thị Nhi và hai chàng Trọng Cao, Phạm Lang. Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.
Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Ray rứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất thân tàn ma dại đúng là người chồng cũ của mình. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, biết Cao ở trong đó, Nhi lao mình vào tính cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Tích 3
Hai vợ chồng nghèo, chồng đi buôn, vợ làm ruộng nên chồng thường xa nhà thỉnh thoảng mới về, đôi khi đi suốt năm mới về. Rồi một chuyến đi biền biệt không tin tức, không tiền bạc gởi về. Người vợ chờ cả 10 năm vẫn biệt tích. Sau đó người vợ lấy một người chồng khác làm nghề săn bắn; người này nuôi một đầy tớ tên là Lốc.
Một hôm chồng mới và Lốc đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bắt lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than, và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa.
Trong khi người vợ đi vắng, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy thế, rất đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết, nên nhảy vào đống lửa chết theo.
Người chồng mới thương tiếc vợ, cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm, quen gọi là "thằng Lốc". Trong tranh vẽ Táo quân, thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.
Phong tục thờ cúng Táo Công cũng từ đấy mà có. Thường thì bắt đầu từ chiều 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ để ông Táo lên chầu trời (Tiễn Táo) để tấu trình mọi việc của gia chủ với Ngọc hoàng thượng đế, đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.
Lễ vật cúng Ông Táo được chuẩn bị vô cùng chu đáo và trang trọng thể hiện sự thành kính của các gia chủ. Lễ vật gồm có: mũ Táo Quân thường có 3 cỗ (chiếc) gồm một của nữ thần không có cánh chuồn, 2 của nam thần có cánh chuồn, kèm theo áo quan, hia (hài), tiền vàng, tiền bạc cùng bệ bằng giấy. Nhưng để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia. Theo sách "Nam Định địa dư chí" của tiến sĩ đốc học Khiếu Năng Tĩnh thế kỷ XIX, thì mũ, áo, hia của Táo Quân màu vàng. Nhưng có sách lại nói màu sắc tùy thuộc từng năm, ứng với các hành Kim (vàng), Mộc (trắng), Thủy (xanh), Hỏa (đỏ), Thổ (đen).
Ngoài những đồ “vàng mã” sẽ được hóa vàng sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ để lập bài vị mới thì lễ vật còn có hoa quả (chuối, bưởi, quất vàng, hoa cúc…), trầu cau, hương đèn, cỗ mặn (xôi, thịt, rượu), và cá chép sống ở miền Bắc, ngựa với đầy đủ dây cương, yên ở miền Trung. Theo quan niệm của người miền Bắc thì ông Công, ông Táo khi đi lên thiên đình phải cưỡi cá chép vì chỉ có cá chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay lên trời. Cá chép được mua thường là chép nhỏ màu đen tuyền hoặc vàng đỏ khỏe mạnh, sau đó được bỏ vào trong chậu xinh xinh để lên trên bàn thờ cúng cùng các lễ vật khác. Đến chiều thì phóng sinh cá ra ao hồ, sông suối… 
Cùng với các lễ vật chay thì mâm cỗ mặn để cúng tiễn ông Táo đi nhanh về sớm cũng được các gia chủ chuẩn bị rất chu đáo. Dù khó khăn hay khá giả, các gia đình vẫn cố gắng sắm một mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống để tỏ lòng biết ơn với các vị Định phúc Táo Quân. Mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống gồm có: Xôi gấc, thịt nấu đông, nem rán, giò nạc, cá chép rán, thịt lợn luộc, lòng gà nấu măng, món xào, dưa cải, rượu trắng, chè sen ở miền Bắc còn trong Nam có thêm xôi chè, trám hoặc thịt kho tàu, giò xào, dưa kiệu…
Đặc biệt, theo tục xưa còn truyền thì mâm cỗ cúng không thể thiếu một con gà luộc ngậm hoa hồng, nhưng gà cúng ông Táo phải là gà cồ mới gáy bởi các gia chủ  muốn cầu xin Táo Quân lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho con trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!
Ngày nay, phong tục cúng ông Táo, ông Công không được tổ chức chu đáo và nhiều nghi lễ như xưa. Chỉ một chậu cá, một mâm cỗ đơn giản với  gà luộc, xôi gấc, chè kho mua sẵn và một vài món mặn là xong mâm cỗ để nhớ ơn đến tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng. 
THEO VIỆT BÁO

3 thg 1, 2012

Nghịch cảnh những nẻo đường đến trường

 Trẻ ở thành phố đi học được đưa đón chăm chút cẩn thận; còn đường đến trường của nhiều trẻ nhiều nơi khác vô cùng gian khổ, hiểm nguy.Phóng viên Lê Anh Dũng theo chân những em nhỏ trên mọi miền của đất nước cảm nhận sự khác biệt này.


Những học trò nhí của trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) được đưa đón tận cổng trường với sự chăm chút của người thân.
Gần một trăm học sinh Trường tiểu học Tĩnh Bắc (xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) hàng ngày phải lội qua dòng sông Kỳ Cùng ít nhất 2 lần để đến trường, Vào mùa mưa, nước lên cao toàn bộ số học sinh này phải nghỉ học.
Đưa đón tận cổng trường, mẹ của bé gái là học sinh Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) này còn tận tay gỡ chiếc khẩu trang cho con gái yêu.
Bé gái học sinh lớp 1, Trường tiểu học Cửa Vạn (Hùng Thắng, Hạ Long) cũng như những học sinh khác nơi đây hàng ngày phải một mình chèo con thuyền nan mỏng manh đi học.
Giống như không ít học sinh ở các thành phố, cậu học sinh Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) này vẫn đến trường trên chiếc ô tô ấm áp của gia đình.
Cùng với những em nhỏ ở bản Phạc Giàng (Xã Hùng Việt, Tràng Định, Lạng Sơn) bé trai này hàng ngày vẫn vượt sông Kỳ Cùng trên chiếc bè nửa chìm nửa nồi để đến lớp mẫu giáo bên kia bờ sông. Không có người lớn đưa đón, không có bất kỳ phương tiện cứu sinh nào trên những chiếc bè này.
Đưa con đến tận cổng trường, người cha này vẫn chìa bàn tay theo con tỏ vẻ chưa yên lòng với cậu con trai đang tại Trường TH Lý Thường Kệt (Hà Nội).
14 học sinh tiểu học người H’ Mông ở bản Mu Màn (Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên) để đến được trường TH Lũng Cà phải mất gần 2 giờ băng rừng, bám đá bằng cả hai tay.
Một học trò ở Hà Nội được đưa đến trường trên chiếc xe sang trọng
Những bước nhảy đầy mạo hiểm trên những mỏm đá sắc nhọn của cô trò nhỏ trường TH Lũng Cà trên đường đi học.
Được đưa đến tận cổng trường, nam sinh Trường THCS Marie Curie này còn được ông trợ giúp đeo lại chiếc balo trên lưng.
Sách vở cầm tay, quần dài vắt vai tránh ướt, hàng ngày những nam sinh trường THCS Đồng Văn (Xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An) phải lội qua 2 con suối đi học.
Cũng như nhiều con đường đến trường gian nan trên khắp đất nước, tính mạng những học sinh ở trường TH Hùng Việt luôn bị đe dọa khi vượt dòng Kỳ Cùng hung dữ trên những chiếc bè đơn sơ và không có phương tiện cứu sinh như thế này.
Hai bé gái ở Tĩnh Bắc, Lộc Bình, Lạng Sơn hàng ngày phải bám lưng mẹ vượt dòng Kỳ Cùng đến lớp mẫu giáo.