Chuyện kể

Huyền Thoại Núi Mẫu Sơn 
Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn với khoảng 80 ngọn núi to nhỏ nằm liền bên nhau. Đặc biệt nhất là ở khu vực cao nhất của Mẫu Sơn, núi không mang tên loài cây, loài hoa, tên con vật hay tên con người mà lại chỉ mang tên núi Cha, núi Mẫu, núi Con và núi Cháu.
Chuyện người xưa kể lại: Gia đình họ gồm người Cha khoẻ mạnh và dũng cảm, người mẹ khéo léo, chung thuỷ và đảm đang, những người con tuy nhỏ tuổi nhưng ngoan ngoãn. Họ sống hoà thuận và no đủ trong một mái nhà trên vùng núi quanh năm mây phủ, có con sông Kỳ Cùng chảy vòng quanh.
Một ngày nọ, có quân ngoại xâm đến xâm lược. Vâng mệnh nhà Vua, người Cha cưỡi ngựa, cầm gươm, vác giáo theo đoàn quân của nhà Vua ra trận chiến đấu bảo vệ bờ cõi biên cương. Rồi một ngày cuối Đông, người Cha cũng đã trở về, sau khi đã dũng cảm chiến đấu cùng Đại quân của nhà Vua đánh tan giặc xâm lăng, được nhà Vua ban tặng cho nhiều phần thưởng cao quý và được giải ngũ. Về với gia đình trong niềm vui khôn tả của người Mẹ và các con, người Cha tưởng rằng từ đây gia đình lại tiếp tục cuộc sống êm ấm, vui vẻ như những năm xưa. Nào có ai ngờ từ đây bắt đầu một huyền thoại bi tráng.

Chuyện bắt đầu từ một gia nhân trong gia đình, khi người Cha đi vắng đã đem lòng yêu người Mẹ nhưng hễ cứ ngỏ lời thì lại bị Người Mẹ cương quyết từ chối. Trong thời gian đó, có chàng thanh niên tên Chóp Chài quê ở gần đó, hoàn cảnh nhà nghèo khó nhưng chăm chỉ và tốt bụng, vẫn thình thoảng qua lại bản buôn bán và giúp đỡ nhiều người trong bản, nhiều hôm do mải làm việc, khi định về nhà thì trời đã tối, thời ấy nếu đường xá xa xôi, cọp beo rừng hung dữ không thể đi đêm về hôm được nên chàng Chóp Chài vẫn thường xin được ăn cơm và ngủ lại nhà ba mẹ con, chờ hôm sau trời sáng mới về. Nghĩ chàng Chóp Chài là người làm ăn chăm chỉ và tốt bụng nên ba mẹ con cùng yêu quý, hay giúp đỡ chàng. Không được đáp lại tình yêu còn bị khinh miệt, những ghen ghét, xấu hổ và hằn học chất chứa trong lòng ngày càng lớn, gã gia nhân luôn nung nấu ý định trả thù người Mẹ. Vì vậy, ngay sau buổi cả bản đón người Cha trở về, gã gia nhân đê tiện kia đã thưa với người Cha rằng trong những năm tháng người Cha đi ra trận, người mẹ ở nhà có tình ý với Chóp Chài, không còn giữ lòng trung thuỷ với chồng.
Giận quá hoá mất khôn, không nén nổi nỗi bực tức và không bình tĩnh nghe lời can ngăn của bất cứ ai, người Cha rút gươm kề ngay vào cổ vợ mà đòi dẫn đi tìm bắt người thanh niên Chóp Chài để giết chết cả hai người cho hả nỗi hận trong lòng. Nhưng ngày hôm đó Pò Chài ở nhà, không đến bản bán hàng. Người Mẹ nước mắt lưng tròng, thanh minh hết lời về nỗi oan khuất của mình nhưng người Cha không hề rung động. Cuối cùng, người Mẹ chỉ kịp đề nghị người Cha để những đứa con của mình chạy ra khỏi nhà, quay mặt đi nơi khác để không nhìn thấy cảnh đầu rơi máu chảy rồi vén tóc cúi đầu để người Cha ra tay. Máu của người Mẹ đã đổ xuống chảy tràn trên đất, chảy mãi thành suối, thành sông.
Sau cơn cuồng giận, người Cha chợt tỉnh ngộ, nhận ra sự nóng giận vô lý đã cướp mất người vợ yêu thương nhất mực thuỷ chung và đảm đang của mình. Người Cha vạch áo vợ lên xem bụng, thấy những dấu tích ngày nào vẫn vẹn nguyên, chứng tỏ người vợ bị oan khuất, bèn vác gươm tìm kẻ gia nhân ty tiện kia trừng phạt nhưng hắn đã cao chạy, xa bay. Người Cha tột cùng đau khổ đã gọi các con quay trở về, lập miếu thờ người vợ yêu quý của mình và đêm ngày gào thét cầu xin người vợ được sống lại.
Sau khi hồn lìa khỏi xác, người Mẹ tìm lên Trời, đòi gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế để kể về nỗi oan khuất và mong Người giải oan cho mình. Ngọc Hoàng bèn cử bảy Nàng tiên bay xuống trần gian, giả làm người trần để tìm hiểu sự việc. Các Nàng tiên đã đáp xuống vùng đất rừng rậm rạp của bản, sau nhiều thời gian xác minh, các Nàng tiên trở về tâu lại với Ngọc Hoàng sự thực. Nay người Cha rất hối hận và mong Ngọc Hoàng cho gia đình họ khi sống được gần nhau, khi chết cũng được ở bên nhau. Ngọc Hoàng đã chấp nhận lời đề nghị của các Nàng Tiên. Vì vậy sau khi chết, gia đình họ được chôn cất gần nhau, sau này những ngọn núi mọc cao lên, mang tên Núi Cha, Núi Mẫu, Núi Con, Núi Cháu. Cả khu vực cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, san sát những ngọn núi cao vòi vọi đó luôn xanh mát màu xanh cây lá, quanh năm khí hậu tốt lành và ưu đãi cho con người sống ở đây nhiều sản vật quý báu, họ luôn yêu thương, thân thiện và chuyên cần với cuộc sống mà cha ông họ đã để lại.
Ngày nay, đến Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, bạn sẽ thấy những huyền thoại đó hiện hữu ở khắp mọi nơi. Núi Cha là ngọn núi cao nhất nhìn từ mọi phía. Núi Mẹ thấp hơn nằm về phía Đông. Đứng từ phía núi Cháu (Khu Du lịch Mẫu Sơn hiện nay) hoặc từ thị trần Cao Lộc thuộc huyện Cao Lộc nhìn lên, núi Mẫu đứng gần hai núi Con, núi Cha đứng xa hơn một chút như bằng chứng sự yêu thương che chở của Người Mẹ đối với hai đứa con khi Người Cha đánh giặc vắng nhà. Đứng từ phía Thị trấn Chi Ma hoặc thị trấn Lộc Bình thuộc huyện Lộc Bình nhìn lên, núi Cha đứng xích gần hai núi Con, núi Mẫu thấp hơn núi Cha và đứng tách ra một chút như là sự đau khổ xa cách âm dương. Những Núi Cháu đứng vòng quanh trong một gia đình sung túc, đâu biết trong mỗi gia đình đều có những đau khổ không thể nào nguôi ngoai. Những giọt máu đào của người Mẹ đổ xuống đã rải đỏ trên các triền núi mỗi mùa Xuân về, thấm trên những cánh hoa Bích đào đỏ thắm trong sương mù, huyền ảo và quyến rũ. Đào Mẫu Sơn nổi tiếng trong thiên hạ không chỉ bởi vị thơm ngon mà có lẽ cũng vì vẻ đẹp tuyệt diệu của những cánh hoa và cái cách phát triển đặc biệt độc đáo của trái đào: hình thành quả từ sau khi hoa rụng, trái Đào tiên đỏ rực như trái ớt chín, khi lớn lên chúng mới dần trở nên hồng nhạt. Vùng núi Mẫu Sơn hiện có hơn chục dòng suối chảy từ khu vực đỉnh núi xuống xung quanh và đều chảy vào sông Kỳ Cùng. Phía Bắc có suối Pắc Đây, Làng Kim, Co Khuông, Khuổi Phiêng, Khuổi Luông. Phía Nam có Khuổi Lầy, Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, Nà Mẫu, Lặp PJạ, Bản Khoai. Đó là máu oan khuất của người Mẹ, nước mắt hối hận của Người Cha. Mỗi dòng suối đều có vẻ đẹp riêng, là nguồn sống của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh vùng.
Thứ nước nguồn thấm đẫm mối tình oan khuất và đau khổ này làm nên sự nổi tiếng của Rượu Mẫu Sơn, làm nên chất lượng tuyệt hảo của Chè Mẫu Sơn.Tất cả các ngọn núi đều có nhiều ao hồ, thác ghềnh quanh năm đầy nước, dù ở độ cao rất lớn so với mực nước biển. đặc biệt có những nơi có cảnh đẹp nên thơ như thác Long Đầu, vũng Soong Cải, … tương truyền là nơi các Nàng tiên khi đáp xuống trần gian xác minh nỗi oan khuất của người vợ vẫn thường xuống tắm. Khi đứng ở các ngọn núi khác nhìn vào, thấy lấp loáng ánh sáng phản chiếu từ những vùng nước đó ra như những mảnh gương thần các Nàng Tiên để lại cho trần thế trước khi về Trời.
Xung quanh những vùng nước mát quanh năm tươi tốt các loại cây trái trên núi Mẫu Sơn, đặc biệt có một loại chanh cây to, trái nhỏ rất ngon, nếu đem muối cùng măng ớt hoặc muối không sẽ trở thành một loại gia vị có hương thơm đặc biệt, ai đã dùng một lần sẽ không quên được hương vị tuyệt vời quyến rũ của nó. Tương truyền ai đã thưởng thức món ăn này sẽ luôn luôn bị thôi thúc phải trở lại nơi này để lại được thưởng thức chúng vào vụ tới - những trái cây tròn nhỏ xíu đó chính là những giọt nước mắt ân hận của Người Cha mà thành. Đêm đêm, Mẫu Sơn ngày nay đã có ánh đèn điện sáng lung linh, song trong mờ mịt sương mù vẫn luôn được nghe nghe tiếng gào thét rền rĩ của gió, văng vẳng như những lời than vãn khóc gào bi ai của Người Cha sau khi giết nhầm người vợ yêu quý của mình. Càng về khuya, tiếng thét gào càng thảm thiết và ai oán, gợi trong lòng du khách- những người sống – gờn gợn những cảm nhận sâu sắc và đau xót về mối oan tình huyền thoại Mẫu Sơn. Còn Chóp Chài, chàng trai bị nghi oan được biết Người Mẹ bị giết chết trong oan khuất cũng không nguôi nỗi trăn trở, khi chết đã biến thành ngọn núi cao đứng xa xa nhìn về, đơn độc khắc khoải như lời nhắc nhở với con người về những nỗi uẩn khúc của cuộc sống. Ngọn núi này du khách có thể nhìn thấy từ thành phố Lạng Sơn hay từ vùng núi Mẫu Sơn, có hình chóp nón rất đẹp, đứng độc lập ở vùng Văn Lãng - Đồng Đăng, Lạng Sơn ngày nay. Trên núi Mẫu còn một vết sạt trắng, mỗi khi có mưa xuống, hình thành một con thác trắng xoá bọt nước, tương truyền đó là vết vạch trắng ở bụng Người Mẹ, nơi Người Cha xác định được sự thuỷ chung của vợ mình sau khi đã giết chết vợ. Những ngày trong trời, đứng từ phía Núi Cháu nhìn sang, vết trắng đó càng hiện rõ trên nền cây xanh ngút ngàn của những cánh rừng trên núi. Núi Mẫu hiện còn phế tích của một ngôi đền cổ, cột bằng những tảng đá liên khối, được gọt đẽo và dựng trên nền đá từ rất lâu, tương truyền là ngôi đền do Người Cha dựng lên trong tột cùng của đau khổ và tuyệt vọng để thờ cúng vợ oan khuất của mình. Khách du lịch có thể tới đó bằng cách đi ôtô theo đường qua thị trấn Lộc Bình, trên nửa đường đến của khẩu Chi Ma thì rẽ về bên tay trái. Hết đường ôtô, du khách đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ nữa là đến Đền cổ. Mạo hiểm hơn, nếu đi từ khu Du lịch Mẫu Sơn, du khách phải tích cực leo núi khoảng 6 giờ đồng hồ liên tục cũng có thể đến được. Đền cổ này đã từng ghi dấu chân nhiều tháng lăn lộn tìm tòi của Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng trước khi ông mất (năm 2005).
Bây giờ, khách đến thăm Mẫu Sơn có thể được thưởng thức nhiều sản vật tự nhiên của núi rừng như mật ong khoái, bọng ong còn nguyên sữa ong non, nấm hương, ếch hương, trà rừng xanh, những nông sản do bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trồng trọt, khai thác như các loại rau xanh, su su, ngót rừng, hoa chuối rừng. Những sản vật theo mùa vụ cũng được bà con bày bán trên đỉnh núi như đào, đu đủ, khoai sọ, nấm hương. Những sản vật là kết quả lao động của bà con được thiên nhiên khu vực ưu ái có Rượu gạo, gà sáu cựa, thịt lợn hun khói, thịt lợn quay, chè Shan tuyết, thuốc tắm, thuốc chữa nam bệnh… Chính những người dân nơi đây đang cố gắng chăm chỉ lao động sản xuất và mong muốn có sự giúp đỡ có hiệu quả của mọi người để nhanh chóng thoát khỏi cái đói nghèo, tiến kịp theo sự phát triển của Miền xuôi. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác kinh doanh rượu Mẫu Sơn, nước Mẫu Sơn, nguồn chè Shan tuyết tuyệt vời của Núi Mẫu Sơn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch.
Mẫu Sơn như nàng công chúa ngủ trong rừng bắt đầu chuyển mình thức dậy.

Hoàng Chiến – Sưu Tầm 2006
---------------------------------------------

SỰ TÍCH NÀNG TÔ THỊ


Chếch về phía tây bắc núi Tam Thanh là Núi Tô Thị đã đi vào truyền thuyết của dân tộc. Trên đỉnh núi có tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa. Từ xưa, tảng đá hình người đã được gắn với truyện cổ tích nàng Tô Thị bồng con chung thủy đứng chờ chồng đi đánh trận Phương Bắc. Chờ mãi không được, nàng cùng con đã hóa đá. Vì thế nên người đời cũng gọi tảng đá là nàng Tô Thị. Trải qua bao năm tháng, do tác động của thiên nhiên và con người, di tích này đã bị hủy hoại. Tỉnh Lạng Sơn đã cho dựng lại như nguyên bản để gìn giữ một di tích đã đi vào tình cảm của người dân Việt Nam
Ngày xưa ở trấn Kinh Bắc có một người đàn bà góa chồng từ sớm, ngày ngày đi mò cua bắt ốc để nuôi hai con: một trai, một gái. Trong khi mẹ ra đồng, Tô Văn, đứa con trai độ mười tuổi và Tô Thị, đứa con gái chừng tám tuổi, ở nhà tha hồ đùa nghịch với nhau, không ai ngăn nổi.
Một hôm, Tô Văn chơi ném đá, rồi không biết ném thế nào trúng ngay vào giữa đầu em. Tô Thị ngã vật xuống đất, ngất đi, máu ra lênh láng. Tô Văn thấy thế sợ quá, chạy một mạch ra đường, không còn dám ngoái cổ lại.
May sao, sau khi xảy ra tai nạn, một bà hàng xóm chạy sang lấy lá thuốc dấu rịt cho Tô Thị, cầm ngay được máu. Ðến khi người mẹ đi mò cua về thì thấy con gái đã ngồi dậy được.
Nhưng còn Tô Văn thì biệt tăm, ngày một ngày hai cũng không thấy thằng bé trở về, tìm khắp nơi cũng không thấy. Người mẹ nhớ con, sinh ra buồn phiền, ngày một héo hon, chẳng bao lâu ốm nặng rồi chết, bỏ lại Tô Thị một mình. Ðứa con gái nhỏ được mấy người láng giềng cho ăn trong ít ngày, rồi hai vợ chồng người chủ hàng cơm đem đứa bé về nuôi để sai vặt. Sau đó, hai vợ chồng người chủ hàng cơm lên xứ Lạng mở hàng nem, đem Tô Thị đi theo.
Lớn lên, Tô Thị xinh đẹp, lại nết na, siêng năng, nên được nhiều người để ý. Dành dụm được ít vốn, nàng nghĩ cách tự làm ăn lấy. Bấy giờ hai vợ chồng người chủ hàng cơm đã có con cái đỡ đần, nên khi nàng xin ra ở riêng, bố mẹ nuôi đều ưng thuận.
Ðã học được nghề làm nem, Tô Thị liền mở cửa hàng nem ở Háng Cưa ( chợ muối ) tại Kỳ Lừa. Nàng làm nem rất khéo. Cửa hàng của nàng mỗi ngày một đông khách. Người ta đến để thưởng thức nem ngon, cũng có người vừa thích nem vừa mê bóng mê gió cô hàng. Chiều khách thì thật là khéo chiều, nhưng cô hàng rất đứng đắn, làm cho mọi người đều vị nể.
Thấm thoắt Tô Thị đã hai mươi tuổi. Tuy có nhiều mối manh, nhưng nàng chưa thuận nơi nào.
Một hôm, có một thanh niên tuổi ngoài hai mươi, vẻ người tuấn tú, đem thuốc Bắc từ Cao Bằng về Lạng Sơn bán. Nghe nói ở Háng Cưa Kỳ Lừa có hàng nem ngon, lại có chỗ trọ rộng rãi, chàng liền tìm đến. Chàng thấy nem quả thật là ngon và cô hàng cũng thật tươi. Biết cửa hàng một lần, hai lần, rồi cứ mỗi lần mang thuốc về Lạng Sơn bán, chàng lại đến hàng nem. Chàng thanh niên và Tô Thị trở nên thân thiết, trước còn mến nhau, sau yêu nhau...
Hai người lấy nhau được hơn một năm thì Tô Thị có mang, sinh được một gái. Hai người yêu nhau rất mực, lại được thêm mụn con, mối tình càng khăng khít.
Một hôm, người chồng về nhà, thì vợ đang gội đầu ở ngoài hè. Chàng vừa bế con ngồi trên bực cửa xem vợ gội đầu, vừa kể chuyện cho vợ nghe. Chợt thấy đầu vợ có cái sẹo to, chàng nói:
- Ðầu mình có cái sẹo to, thế mà bây giờ tôi mới biết.
Thấy chồng hỏi một cách ân cần, nhân vui câu chuyện, Tô Thị kể tỉ mỉ cho chồng nghe những chuyện xảy ra hồi nàng còn bé. Câu chuyện càng đi sâu, người chồng càng lộ vẻ buồn. Trấn Kinh Bắc, nơi quê cũ, người anh đi mất tích, mẹ chết, theo vợ chồng người chủ quán lên xứ Lạng, rồi ở luôn đây cho đến bây giờ...
Biết bao đau thương, buồn thảm. Chàng tự nhủ thầm: "Sao mình lại không là một kẻ khác mà lại là Tô Văn! Thôi mình đã lấy lầm em ruột mình rồi!... Chàng hồi nhớ lại những ngày xa xăm, cái ngày chàng lỡ tay ném đá vào đầu em, tưởng em chết, nên đã chạy trốn, đi lang thang không dám trở về nhà, rồi được một người Trung Quốc buôn thuốc Bắc đem về nuôi ở Trùng Khánh, thuộc tỉnh Cao Bằng. Lớn lên, Văn theo họ bố nuôi là họ Lý. Chàng thường đem hàng xuống Lạng Sơn bán và chỉ ở đây một vài ngày là hết hàng. Ngoài con đường Lạng Sơn - Cao Bằng, Cao Bằng - Lạng Sơn, chàng cũng không đi đến đâu cả. Hơn mười năm qua, chàng yên trí gia đình mình ở miền xuôi không còn một ai nữa; quê cũ đối với chàng bây giờ như trong sương mù, không còn tưởng nhớ để làm gì!...
Văn nghĩ ngợi, rầu rĩ, nhưng Tô Thị mải chải đầu, quấn tóc, không để ý đến. Nàng vẫn vui vẻ, hồn nhiên không biết chồng mình đang ở vào những phút buồn phiền ghê gớm. Thấy Tô Thị ngây thơ, vui vẻ như thế, Tô Văn càng không muốn để nàng biết sự thực. Không thể để cho người em gái mình còn non trẻ như thế kia biết, chàng quyết tâm gỡ mối cho xong. Thôi hay là lại đi biệt chuyến nữa, em gái mình trẻ trung, xinh đẹp dường ấy, làm gì chả lấy được một người chồng khác, Văn nghĩ thế, rồi anh nghĩ cách để đi.
Giữa lúc tâm trạng Văn như thế thì có việc bắt lính thú. Anh xin đăng lính, không bàn với vợ nửa lời. Mãi đến lúc sắp lên đường anh mới nói với vợ:
- Anh đã đăng lính rồi, em ạ. Sớm mai thì lên đường. Ði chuyến này ba năm, có khi sáu năm mới về, và cũng có khi lâu hơn... Mình ở nhà nuôi con; còn về phần mình, mình cứ tự định liệu, nếu nhỡ ra...
Tô Thị nghe chồng nói như sét đánh ngang tai, không hiểu sao đang sống yên vui với nhau mà chồng mình lại bỏ đi một cách kỳ lạ như thế! Nàng khóc ấm ức, khóc hoài, khóc mãi không nói nửa lời. Còn Văn chỉ những bứt rứt âm thầm, cho việc mình đi như vậy là giải thoát.
Từ ngày chồng đi rồi, Tô Thị chẳng thiết gì đến việc bán hàng. Ngày ngày nàng bế con lên chùa Tam Thanh cầu cho chồng được tai qua nạn khỏi, chóng được trở về, cùng nhau sum họp.
Nhưng ba năm qua, bốn năm qua, nàng cũng chẳng thấy chồng về. Có mấy kẻ phao tin là chồng nàng chết, muốn hỏi nàng làm vợ, nhưng nàng nhất định chối từ. Có một tên kỳ hào tiếng là hống hách trong vùng muốn hỏi nàng làm vợ kế. Hắn có thế lực và rất tàn nhẫn. Nàng thương con còn thơ dại, không dám chối từ ngay, sợ rước vạ vào thân, chỉ tìm cách khất lần. Nhưng khất lần mãi cũng không được, nên cuối cùng nàng đành hẹn với nó một kỳ hạn, để về sau tìm kế khác. "Biết đâu đến ngày ấy, chồng mình lại chả về!" - Nàng nghĩ thế.
Rồi kỳ hạn cũng hết, nàng trông đợi chồng đỏ cả mắt mà chàng vẫn không về cho. Nàng ôm con lên chùa Tam Thanh kêu cầu. Hôm ấy, trời nổi cơn giông. Nàng nhớ chồng, thương thân, bế con ra ngoài chùa, trèo lên một mỏm đá cao chót vót, nhìn về hướng chồng đi. Mây đen kéo đầy trời. Gió rít lên từng hồi qua khe đá. Mưa như trút nước. Chớp lòe khắp núi. Nàng vẫn bế con đứng trơ trơ, đăm đăm nhìn về hướng chồng đi. Toàn thân quả núi rung chuyển dưới những luồng sét dọc ngang. Mưa mỗi lúc một to. Tô Thị vẫn bế con đứng trơ trơ trên mỏm đá cao chót vót.
Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió yên, mặt trời tỏa ánh sáng xuống núi rừng. Nàng Tô Thị bế con đã hóa đá tự bao giờ. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét