Ẩm thực


Nói đến Xứ Lạng dường như ai cũng biết câu ca dao:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên Xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò”
Đến Xứ Lạng mà bất giác mỉm cười, đất nước mình thật đẹp mà yêu đến thế! Này đây là ải Chi Lăng, động Nhị Thanh Tam Thanh, thành nhà Mạc, này là Đồng Đăng, này là phố Kỳ Lừa, này là nàng Tô Thị bồng con hóa đá...
Đến Xứ Lạng trong cái nắng hanh hao và cái se se của mùa đông, Lạng Sơn có vẻ đẹp khác biệt đến lạ lùng! Người ta nói cái lạnh ở đây như có “ Kim ” đâm thấu xương. Trong cái cảm giác ấy có chút mên man; núi rừng không còn có màu xanh thay vào đó là màu vàng như hư như thực; và núi Mẫu Sơn những ngày rơi tuyết thật kỳ diệu.
Lạng Sơn hấp dẫn du khách không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ nên thơ mà còn bởi những món ăn đặc sắc thắm cái lòng mến khách của người Xứ Lạng. Lạng Sơn đâu chỉ có “bầu rượu nắm nem” dù rằng rượu Mẫu Sơn thơm đến lạ kỳ, hương thơm của mùa đông bên bếp lửa. Ẩm thực Lạng Sơn đâu chỉ có mỗi lợn quay, vịt quay dẫu rằng món vịt quay có hương vị vô cùng đặc biệt bởi mùi hăng của lá mắc mật, ngọt bùi của củ đậu, cái đót đắng của măng tươi làm tăng thêm chất nồng của men rượu.
Bữa tiệc rau ở Lạng Sơn
Cho đến bây giờ, cứ ai lên Lạng Sơn, ngoài việc mua sắm mặt hàng gia dụng lúc về không quên mua thêm một túi cải ngồng, bao giờ cũng vậy cứ đi về là phải mang cải ngồng. Cải ngồng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đặc sản khi lên Lạng Sơn và trong hành trang mang về làm quà cho những người thân trong gia đình. Tiện thì mang nhiều, không tiện thì mang ít, nhưng không thể thiếu.
Cải ngồng Lạng Sơn thật đặc biệt. Mới nhai có thể thấy đăng đắng nhưng ăn vào rồi mới thấy vị ngòn ngọt, man mát. Dường như món ăn Việt Nam đặc sắc ở chỗ ấy, nào là khổ qua, mướp đắng, giờ là rau cải ngồng, mới ăn có thể thấy đắng nhưng cái dư vị còn sót lại thấm trong thực quản  là vị ngọt bùi. Phải chăng những thức ăn này còn ẩn chứa trong lòng nó một triết lý : có nếm cay đắng rồi mới thấy sự ngọt bùi? Có thể lắm chứ! Cái triết lý ấy làm những thực khách thích suy ngẫm cảm thấy thú vị hơn khi thưởng thức món ăn - thưởng thức một thú văn hóa. Còn cái vị ngọt của ngồng cải luộc hoặc chao dầu chấm thêm chút xì dầu thì vấn vương mãi trong lòng người thưởng thức.
Bên cạnh rau cải ngồng, xứ Lạng còn có một thứ rau có cái tên là lạ - rau bò khai - một thứ rau rừng thoạt trông như một loại cỏ có cái màu xanh non tơ yểu điệu như người con gái Xứ Lạng. Cách ăn món rau này cũng hơi khác. Người ta xào bò khai chung với mỳ, mỳ ở đây chính là loại bánh phở sợi nhỏ và dài. Mỳ phải xào hơi giòn một chút, nêm đậm đà một chút. Khi bày ra đĩa, màu xanh mát của rau hòa quyện với màu trắng ngà của mỳ trong cái ngậy của mỡ chiên nóng hổi đủ làm thực khách thấy ngon mắt. Ăn một lần thì nhớ mãi.
Các món ăn được chế biến từ rau Lạng Sơn quả là món khai vị tuyệt vời. Ngọt, thanh, mát... làm giảm đi cái ngấy của những món chiên xào nhiều dầu mỡ. Mà với những người ăn kiêng thì đây quả là một bữa đại tiệc rau. Chỉ với cải ngồng ta đã có thể chế biến nhiều món, nào là cải ngồng luộc, cải ngồng chao dầu, cải ngồng xào tỏi, cải ngồng xào thịt bò…Món nào cũng hấp dẫn cũng ngon lành cả. Nào còn cà tím, khoai môn cũng được người dân xứ Lạng chế ra những món ăn lạ miệng. Khoai môn bao bột và cà tím bao bột chắc chắn sẽ là hai món làm không ít người bất ngờ thú vị. Khoai môn bao thịt đã được băm nhuyễn rồi tẩm bột chiên vàng, chấm với xì dầu điểm vài lát ớt cay. Cũng tương tự như vậy với món cà tím, toàn những thứ nguyên liệu quen mà ăn vẫn thấy lạ thấy ngon. Thế mới hay thức ăn ngon không hẳn vì cầu kì hay khó kiếm mà là do cái tài, cái khéo của người nấu gửi gắm trong đó.
Món ăn Lạng Sơn bị ảnh hưởng cách chế biến của “ Tàu ”
Lên đến Lạng Sơn mà chưa từng được nếm món áp chao thì thật đáng tiếc biết bao! Cái món ăn xuất xứ từ nước bạn láng giềng Trung Quốc khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với khẩu vị của người Việt đã thành một thứ quà đặc sắc của xứ Lạng. Đi ngang qua quán hàng nằm khiêm tốn trên đường Hoàng Văn Thụ, mùi thơm quyến rũ khiến khách đi đường cầm lòng không đặng. Bước vào quán, chọn một góc bàn với những chiếc ghế gỗ thấp, gọi món rồi trong lúc chờ đến lượt mình, ngắm cái bếp than hồng rực, trên bắc cái chảo dầu nóng ì xèo, những miếng thịt vịt vàng rộm trở mình trong chảo mỡ…

Áp chao làm từ thịt vịt thôi nhưng được chế biến khá độc đáo. Cùng là thịt vịt nhưng chia làm hai loại bày trên hai đĩa, một đĩa là thịt vịt chao dầu đã được tẩm ướp húng  lìu, một là thịt vịt bọc bột nếp chiên vàng. Nhìn đĩa thịt vịt nâu vàng suộm bên cạnh đĩa rau sống xanh mơn mởn, chưa ăn mà đã thấy ngon miệng rồi. Thịt vịt chao dầu thì dùng với bát nước chấm gồm gia vị, ớt, dấm ngâm măng đắng và mắc mật. Ăn thấy có vị đậm đà của thịt vịt được tẩm ướp kĩ càng mà lại có vị chua chua của thứ nước chấm rất riêng. Còn thịt vịt bọc bột nếp - thứ bột nếp mà các bà hàng bánh rán mặn vẫn dùng để làm bánh – thì chấm với nước mắm đu đủ pha dấm ớt. Cắn một miếng thấy cái deo dẻo của bột nếp, đến miếng thứ hai cảm nhận ngay được cái ngọt của thịt vịt chín vàng. Ăn mãi mà không thấy chán. Cả hai thứ này ăn kèm với rau sống. Trong cái gió mát của vùng cao, quây quần bên bè bạn, nhấp môi chút rượu Mẫu Sơn, nhấm nháp cái vị đậm đà của món áp chao, xuýt xoa trước cái cay cay của gừng, của ớt mới cảm nhận được hết cái thú ẩm thực xứ Lạng.
Mải vui bầu rượu nắm nem…
Lạng Sơn như một xứ mơ, quả là vậy. Vì mơ mà ta chẳng muốn về. Làm nên cái nồng nàn của xứ Lạng là từ những con người nơi đây. Trong đó món ngon Lạng Sơn được xem như là một cách thể hiện tình cảm đầy ý tứ. Chưa đi thì chưa biết, chứ đã nếm một lần rồi thì chẳng thể nào quên. Cái vị ngọt bùi, đậm đà trong cái tình mến khách, cái thân thiện của người dân vùng cao càng trở nên quyến luyến.  Chợt nhớ đã tới lúc phải ra về, để lại sau lưng những ân tình của bạn bè Xứ Lạng, tự dặn mình ngày trở lại sẽ không xa…để câu ca "Tay cầm bầu rượu nắm nem" mãi chẳng bao gời mai một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét