21 thg 11, 2011

Địa danh Xứ Lạng

Thiên nhiên đã ban tặng cho Lạng Sơn không chỉ là cái thế trải rộng mênh mông mà là sự hội tụ của núi non, sông nước, thành quách, phố phường. Những nét độc đáo này chính là những ấn tượng khó quên của du khách thập phương về hình ảnh xứ Lạng thân thương, hiền hòa, sơn thủy hữu tình với những cảnh đẹp nổi tiếng.  
Những cảnh đẹp nổi tiếng được tạo hoá ban tặng
Khi nói đến các địa danh nổi tiếng của Lạng Sơn, trước hết phải kể đến quần thể hang động Nhị - Tam Thanh và tượng đá Tô Thị Vọng Phu. Từ thế kỷ XVIII, nhà thơ, nhà chính trị Ngô Thì Sĩ đã từng gọi Nhị - Tam Thanh là một trong những "Trấn doanh bát cảnh" của xứ Lạng.
Động Tam Thanh là thắng cảnh tự nhiên với muôn trùng nhũ đá thiên tạo, trong động có hồ Cảnh hay còn gọi là hồ Âm Ty, nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn. Gần cửa sau của động, cửa Thông Thiên hướng thẳng lên đỉnh núi. Qua bao thăng trầm, đến nay, động Tam Thanh vẫn xứng với lời văn bia tiền nhân đã khắc ghi: "Động này là kỳ quan do trời đất tạo ra, nơi đây là thắng cảnh của vùng đất thiêng, người giỏi, thực khó mà mô tả, tô vẽ được" ( bia số 1 Tam Thanh - năm 1918). Ngoài ra, chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh là danh thắng mang giá trị văn hóa, nghệ thuật. Nổi bật nhất trong chùa là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm tác của các văn nhân, thi sĩ qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Nằm cạnh động - chùa Tam Thanh là động Nhị Thanh với chùa Tam Giáo. Một bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ có công phát hiện, tôn tạo để làm "Trấn đốc Lạng Sơn" trong giai đoạn 1777 - 1780. Động Nhị Thanh là một hang đá tự nhiên, phía trên là các hòn đá với nhiều hình dáng kỳ vĩ, phía dưới là con suối dài 500 m, nước chảy róc rách. Trước đây, động là nơi đàm đạo, thưởng ngoạn của các tao nhân. Đến nay, động Nhị Thanh còn lưu lại dấu tích "Thạch Miên am" (tức Am ngủ trên đá), "Thụy Tiền hiên" (tức Hiên ngủ bên suối). Điều quý giá nhất ở động Nhị Thanh là 20 bia Ma Nhai tạc trên vách đá, ghi bút tích của các danh nhân, thi sĩ, quan lại qua các thời kỳ. Chính giữa động lưu giữ tượng truyền thần của Ngô Thì Sĩ tạc từ năm 1779, có giá trị mỹ thuật - lịch sử cao.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến tượng đá nàng Tô Thị với truyền thuyết về tấm lòng son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều đã để lại bài thơ "Đá vọng phu" với 2 câu kết:
"Bốn trời đồi núi mênh mông
Riêng người phụ nữ gương lành treo cao".
Ngay dưới chân núi Tô Thị là một eo núi còn lưu giữ 2 đoạn tường thành xây bằng đá với nhiều lỗ châu mai. Đó là dấu tích của thành nhà Mạc, một di tích kiến trúc quân sự phản ánh một thời kỳ nội chiến tương tàn trong lịch sử Việt Nam. Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là căn cứ quân sự hiểm yếu, trấn giữ con đường độc đạo nối giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Dòng Kỳ Cùng thơ mộng cùng chùa Tiên, giếng Tiên
Rời quần thể danh thắng Nhị - Tam Thanh và nàng Tô Thị, du khách có thể qua sông Kỳ Cùng để đến núi Đại Tượng nổi lên giữa cánh đồng phía nam thành phố Lạng Sơn, nơi có chùa Tiên, giếng Tiên, từng nổi tiếng trong "Bát cảnh". Động chùa Tiên, nằm lưng chừng núi, lối đi lên có 64 bậc. Cửa chính của động quay hướng bắc, cửa phụ quay hướng đông. Động Chùa Tiên là hang đá khổng lồ với nhiều khoang lớn nhỏ khác nhau, có lối đi xuống hồ Thu Thủy, có cửa thông lên đỉnh núi. Trong động có nhiều thạch nhũ với hình ông Tiên, con voi, chim nhạn rất sinh động. Phía ngoài động có một mạch nước không bao giờ cạn, tương truyền đó là giếng Tiên gắn liền với truyền thuyết ông Tiên giúp dân nguồn nước chống hạn. Cũng như quần thể Nhị - Tam Thanh, động chùa Tiên - Giếng Tiên không chỉ là cảnh đẹp mà còn là di tích lịch sử - văn hóa - tôn giáo có giá trị.
Không chỉ có thế, thành phố Lạng Sơn còn rất nhiều điểm du lịch níu chân du khách như bến đá Kỳ Cùng nằm cạnh cầu Kỳ Cùng, một trong "Bát cảnh" mà xưa kia cụ Ngô Thì Sĩ gọi là "Kỳ Cùng thạch độ". Khúc sông Kỳ Cùng nơi đây có nhiều tảng đá chắn ngang giữa lòng, lô nhô giữa mặt nước, bờ sông. Đến bến đá Kỳ Cùng, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc kiểu chữ "Đinh" của đền Kỳ Cùng ngay cạnh đó. Nghinh môn của đền gắn liền với không gian chính gồm 3 cửa xây vòm cuốn, 2 trụ gạch vuông bổ gờ soi, phía trên đắp nổi các hoa văn, trên cùng là một bộ tam khí gồm có: đỉnh và hai lọ hoa thờ hai bên. Phía ngoài tả hữu có hai tháp chồng diêm dùng để treo chuông và trống.
Bên này sông Kỳ Cùng - khu vực hành chính của thành phố - là Đoàn Thành Lạng Sơn. Thời phong kiến, đây là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Lạng Sơn. Đoàn Thành có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ, phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước, nằm trong thung lũng thành phố Lạng Sơn, xung quanh có núi bao bọc. Qua những thăng trầm của lịch sử, Đoàn Thành bị phá hủy rất nhiều, vết tích còn lưu lại là 2 cửa thành cổ. Móng thành được xây bằng đá xanh, cổng xây vòm cuốn, chiều cao từ chân đến đỉnh thành là 5 m, chiều rộng 4 m.
Lên đỉnh Mẫu Sơn, chiêm ngưỡng sự bao la của đất trời
Nếu muốn tìm nơi để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc, du khách có thể lên núi Mẫu Sơn thuộc xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km. Từ xa xưa, Mẫu Sơn đã có huyền thoại kỳ bí, nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khách thập phương bởi môi trường sinh thái trong lành.
Dãy núi Mẫu Sơn cao trên 1.500 m so với mặt nước biển. Vào buổi sáng, tại chân núi xuất hiện hình ảnh "mây ôm ấp núi", đến độ cao 800 m, cảm giác lạ thường sẽ xuất hiện trong du khách khi phóng tầm mắt ngắm nhìn núi non trùng điệp. Khi lên tới đỉnh núi, du khách có thể thả hồn chiêm ngưỡng sự bao la, hiền hòa của đất trời và ngắm nhìn thành phố Lạng Sơn bằng mắt thường cách xa khoảng 20 km theo đường chim bay. Đặc biệt, ở Mẫu Sơn, khi nhiệt độ dưới OoC, thậm chí âm 6oC, băng tuyết xuất hiện là lúc Mẫu Sơn trở nên trắng xóa.
Lên Mẫu Sơn, du khách còn được tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Dao, Mông, Nùng hay thưởng thức các món ăn dân tộc vùng cao như "rau sạch", đặc sản ếch Hương, quả đào Mẫu Sơn thơm ngon,... Thú vị hơn, du khách có thể vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa thưởng thức ly rượu Mẫu Sơn, loại rượu đặc sản mà chỉ thứ men có thành phần của một số loài thảo mộc trên núi Mẫu Sơn mới có và chỉ dùng nguồn nước chảy từ Núi Mẹ để chưng cất. Ai đã từng uống loại rượu này mới cảm nhận được hương mùi sắc của ngọn núi Mẫu Sơn như câu ca dao:
"Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò..."
Ngoài các danh lam thắng cảnh, di tích trên, du khách đến với Lạng Sơn không thể không đến đền, chùa và tham dự các lễ hội đặc sắc như: lễ hội ải Chi Lăng, hội chùa Bắc Nga, chùa Tam Thanh, chùa Thành, hội đền Tả Phủ,... nghe các điệu hát sli, lượn, then của các dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Hoa , Cao Lan,...
Trước khi chia tay với xứ Lạng, du khách chớ quên đi dạo các chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh, Đồng Đăng,... với hàng trăm món hàng phong phú, đa dạng, thăm các cửa khẩu quốc tế, quốc gia. Tại đây, du khách có thể cùng lúc thoả mãn thú vui du lịch và sở thích mua sắm, từ những vật kỷ niệm đến các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Ở Lạng Sơn, gần như về hướng nào, đến địa phương nào, du khách cũng có thể tham gia vào các tua du lịch lý thú với nhiều loại hình hấp dẫn. Mỗi mảnh đất nơi đây đều có những cảnh đẹp mê hồn, những dấu ấn của lịch sử, những di tích thắm đượm chủ nghĩa yêu nước và cách mạng nồng nàn với hang Thẩm Khuyên, Thẩm Khoách ở huyện Bình Gia đã đi vào lịch sử nhân loại; ải Chi Lăng lẫy lừng chiến công chống quân xâm lược Minh; Văn Lãng quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ; châu Bắc Sơn xưa vẫn âm vang cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng; đường số 4 vẫn sáng ngời chiến công biên giới,...
Nếu du lịch biển, đảo hấp bởi sự náo nhiệt, thì đến với Lạng Sơn, du khách sẽ được thưởng thức các chuyến du lịch mang âm hưởng của núi rừng. Những vẻ đẹp thiên tạo từ hang động, những hình thù và màu sắc rực rỡ, cảm giác linh thiêng khi ghé thăm các chùa tại Lạng Sơn, tìm hiểu nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc hay nghiêng ngả say trong men rượu trên đỉnh Mẫu Sơn,... là những ấn tượng sẽ còn đọng lại trong lòng du khách khi tạm biệt xứ Lạng thân thương
( Nguồn bài viết : http://www.langson.gov.vn )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét